Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận tình trạng người mắc bệnh viêm kết mạc (còn gọi là đau mắt đỏ) gia tăng, trong đó, trẻ em chiếm số lượng lớn, “thủ phạm” chính gây bệnh đã được ngành y tế xác định là enterovirus (khác với mọi năm là adenovirus).
Những điều cần biết về đau mắt đỏ:
Theo Sở Y tế, hiện tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có chiều hướng gia tăng trên cả nước. Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ ngày 1/1 đến 11/9, 22.444 trường hợp viêm kết mạc cấp khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có 11.572 trẻ em, chiếm tỷ lệ 51,5%.
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Trong trường hợp này, người bị bệnh nên tạm nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp (lưu ý: chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định).
Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh; triệu chứng bao gồm: xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn, hoặc bắt tay,…. Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi,… Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
4 biện pháp chữa bệnh đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả
Thuốc nhỏ mắt: Dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng điều trị tình trạng này. Lưu ý, không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt, đồng thời rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc.
Chườm ấm: Đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt trong vài phút có thể cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, bằng cách: Ngâm khăn sạch vào nước ấm rồi vắt khô; đắp miếng vải ẩm lên mắt và để nguyên cho đến khi nguội.
Lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày và thường xuyên nếu bạn thấy triệu chứng cải thiện; sử dụng khăn sạch để tránh lây nhiễm. Sử dụng khăn lau khác nhau cho mỗi mắt trong trường hợp bị đau mắt đỏ ở cả 2 mắt.
Chườm lạnh: Trường hợp biện pháp chườm nóng không cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, người bệnh có thể áp dụng chườm lạnh và ngược lại. Hãy dùng khăn sạch ngâm nước lạnh đã vắt khô đắp lên mắt giúp làm dịu, giảm sưng. Người bệnh lặp lại nhiều lần trong ngày. Chỉ nên áp dụng ở nhiệt độ vừa phải, tránh để khăn quá lạnh sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Thuốc giảm đau không kê đơn: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể cải thiện tình trạng đau mắt đỏ nhưng không chữa khỏi bệnh. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm viêm. Ngoài ra, thuốc dị ứng cũng có thể làm giảm các triệu chứng đau mắt đỏ.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần thực hiện
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch
- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ
- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác
- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Các bác sĩ chuyên khoa Mắt khuyến cáo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Loại thuốc này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Trường Cao đẳng Công nghệ – Ngoại thương thông báo Tuyển sinh năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh
- HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ NGOẠI THƯƠNG – CƠ HỘI VÀNG CHO TƯƠNG LAI RỰC RỠ
- Khai giảng Lớp đào tạo nghề Luật sư Khóa 26.1 tại Trường Cao đẳng Công nghệ – Ngoại thương
- VÒNG SƠ KHẢO CUỘC THI SINH VIÊN THANH LỊCH 2024: ẤN TƯỢNG TỪ NHỮNG GƯƠNG MẶT TRI THỨC VÀ TÀI NĂNG CỦA THÍ SINH
- Thông báo Tuyển sinh Lớp đào tạo nghề Công chứng khóa 27 tại Đà Nẵng